Chọn ngôn ngữ
276206
Tin tức

Những điều cần biết khi mua căn hộ đơn lẻ mới

Ngày đăng: 2011-03-23

 

Ảnh minh họa

Nhìn vào trang quảng cáo mua bán nhà ở TP.HCM có thể thấy loại hình nhà đơn lẻ, xây cất khá “bắt mắt” có giá dễ chịu và thường lọt vào tầm ngắm của người đang muốn an cư. Với giá từ 1.5-2 tỉ đồng, bạn chỉ có một căn hộ lối 80m2 ở một chung cư nào đó và khi chọn lựa cách này thì phải hiểu thêm rằng, mỗi năm ngoài tiền nhà bạn sẽ phải tốn thêm cả chục triệu đồng cho các loại dịch vụ gửi xe, bảo vệ, thang máy nữa…

Nếu ở quận Phú Nhuận hoặc quận 2, quận 3 thì phải chi gấp đôi số tiền trên để có được diện tích ấy.

Nhưng cùng giá này, nếu đến thăm một trong các nhánh từ đường Nguyễn Ảnh Thủ hoặc Thạnh Lộc, quận 12 bạn sẽ có nhiều điều phải suy nghĩ.

Tại đây, bạn sẽ thấy những căn hộ độc lập, xây cất mới tinh khôi, kiểu cách thoáng đãng, hiện đại đang mời gọi.Một căn nhà ba tầng, tổng diện tích sàn hơn 200m2, có sân để xe hơi, có sân thượng của riêng mình, bốn phòng ngủ, hai phòng khách, ban công, diện tích trồng hoa, hệ thống rèm cửa sang trọng, hệ thống cáp truyền thông, điện ngầm rất hiện đại. Nói chung, phong cách rất gần với “biệt thự” nhưng giá chỉ bằng hoặc đắt hơn chút xíu tiền cho căn hộ chung cư kia.

Nhưng, để việc “đại sự” này được mỹ mãn, xin hãy lưu tâm đến những khuyết tật có thể tiềm ẩn trong công trình hào nhoáng kia.


Bắt đầu từ cái hầm tiêu

Nhiều căn hộ kiểu này được đầu tư “lệch” theo xu hướng: cái gì dễ “lộ hàng” thì trau chuốt cho thật đẹp, còn cái gì khuất mắt, chỉ làm gọi là có. Có công trình, để phục vụ cho gần 250m2 nội thất, đủ cho một gia đình đông người nhưng cái hầm tiêu chỉ lối hơn một khối.

Đã vậy, nếu căn hộ ở hơi xa đường thoát chính của thành phố là nhà đầu tư ngại, chỉ cho thoát ngay trong nội ô khuôn viên bằng phương pháp tự thấm. Như vậy, chỉ sau một thời gian rất ngắn, hầm tiêu bị đầy và gây ứ trệ, phải khắc phục rất phiền phức.

Về mặt bằng cốt nền

Cần quan sát mặt bằng nền nhà với mặt bằng được quy hoạch chính thức của con đường gần nhất. Ở ngôi nhà mới, so với xung quanh có thể khá cao ráo, khang trang nhưng quy chiếu với mặt bằng quy chuẩn của khu vực ở cách xa nền chừng vài trăm mét thì cốt nền này thấp hơn đường cả nửa mét. Đây là một bi kịch cho tương lai.

Ảnh minh họa

 

Khi những không gian xanh bên cạnh từ từ bị bê tông hóa hết, đường sá, cống thoát nước đấu nối với hệ thống chính xong, mỗi cơn mưa, nước tự nhiên cộng với tạp chất, xú uế cứ ào ào dồn hết vào nhà mình thì không có gì cực hơn.

Không gian gần nhà

Với đặc điểm kiến trúc đô thị nên hơi khó để thấy được những không gian nằm trong một bán kính lối 500m xung quanh bởi tường nhà khác bao phủ, che chắn, hạn chế tầm nhìn.

Cho nên, có khi chỉ cách nhà mình chừng 200m, cách vài bức tường là nghĩa địa một gia tộc, nơi tọa lạc chừng trăm ngôi mộ từ dăm bảy chục năm nay. Cũng có khi, ở cự li ấy là một lò mổ súc vật đã âm thầm tồn tại vài chục năm.

Như vậy đã đủ để nguồn nước giếng khoan, nguồn cấp chính của nhiều vùng dân cư hiện nay bị nhiễm hoặc sắp nhiễm bẩn, rất khó khắc phục.

Đường vào nhà

Nhiều trường hợp “cười ra nước mắt” là khi mua nhà, thấy con đường vào nhà khá rộng rãi, tiện ích nên mạnh tay mua. Một thời gian sau mới biết, con đường này nằm trên phần đất chưa sử dụng của hộ dân có đất nằm kề. Đến khi cần phân lô, bán chác cho chủ mới, họ thu hồi diện tích này rất tự nhiên, thành ra con đường tưởng 6m thực chất chỉ có 3m mà chẳng biết kêu ai!

Đường điện - nước trong nhà

Khi mua, cần được thử tất cả các phụ tải trong nhà ở mức tối đa để tránh trường hợp chập cháy vì lí do lắp đặt không hợp lí, thiếu chuyên nghiệp và “tiết kiệm” chi tiêu, dùng dây dẫn yếu hơn công suất sử dụng. Nếu có “gì” thì xảy ra ngay trong lúc này, dễ bề định đoạt.

Về nước cũng vậy, hãy bơm thật đầy để thử tải máy bơm, rồi xả tất cả để thử hệ thống thoát, phát hiện những ứ trệ kịp thời. Một biện pháp nữa, không quên kiểm tra sau khi thẩm định ổn thỏa, bơm đầy bồn nước rồi một giờ sau theo dõi. Có những trường hợp do thi công ẩu, nước bị rò rỉ không đáng kể, nhưng với việc sử dụng ngôi nhà cả đời người thì điều này thật khó chịu và tốn kém.

Cuối cùng là vấn đề pháp lý

Khi giao dịch, chủ đầu tư thường minh họa rất suôn sẻ hồ sơ pháp lý của thửa đất. Nhưng thực chất, nhiều trường hợp chủ đầu tư chỉ là khâu trung gian, khi thiết lập thủ tục sang nhượng đất lại phải liên kết với chủ cũ.

Tại đây, thường xảy ra cảnh chủ đầu tư cho dù khi thỏa thuận đã để lại chừng 10-20% tiền mua nhà, đến khi giấy tờ hoàn tất mới trả hết nhưng số tiền ấy thực sự chủ đầu tư đã lãnh trọn phần họ. Phần còn lại chính là phần quan hệ giữa mình với chủ đất thực sự.

Bi kịch xảy ra khi chủ đất lúc này cũng “biến dạng” bằng những động thái như đã chuyển giao quyền định đoạt cho con cái hoặc người mua cả diện tích lớn. Có khi chủ thật có mâu thuẫn, có “độ vênh” với chủ đầu tư, một quyền lợi gì đó giữa họ chưa ổn thỏa… thế là ông này sinh sự, yêu sách gì đó và người mua nhà lãnh đủ. Lúc này, tìm đến chủ đầu tư thường khó hơn gặp… chủ tịch huyện!

Trên đây là vài kinh nghiệm khi mua bán gia cư, nó giúp người mua hạn chế những điều nhiều khi không bộc lộ trong lúc giao dịch. Người mua cẩn trọng sẽ dễ có được ngôi nhà như ý muốn mà không phải tốn kém nhiều.

DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn

Các tin khác